Sau chuỗi 11 quý liên tiếp báo lợi nhuận trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng,ànhphânbónquathờihoàovaltine Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) lần đầu ghi nhận lãi sau thuế dưới mức này, đạt 74 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất bốn năm qua.
Tương tự, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) cũng tuột dốc khi trải qua ba quý lỗ liên tiếp. DHB kỳ này lỗ khoảng 309 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 347 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế từ đầu năm đến nay đã âm gần 790 tỷ đồng.
Không chỉ các công ty thuần về phân bón, các doanh nghiệp kinh doanh cả hóa chất cũng ghi nhận kết quả kém khả quan hơn trước. Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) vừa báo lợi nhuận quý III hơn 800 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2022. Trong khi trước đó, doanh nghiệp này từng lãi hàng nghìn tỷ đồng ở năm quý liên tiếp (từ quý IV/2021 đến quý IV/2022).
Kết quả kinh doanh quý vừa qua thấp hơn dự báo khiến giá nhiều cổ phiếu phân bón giảm sâu. Lũy kế ba phiên gần nhất tính đến 25/10, DCM đã sụt hơn 10% thị giá. Mã DGC trồi sụt liên tục nhưng tính chung cũng giảm khoảng 8,5% trong hơn tuần qua. Ngay cả Đạm Phú Mỹ chưa công bố kết quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu đã bị ảnh hưởng, đi lùi hơn 7% ba phiên gần đây.
Giá bán giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến ngành phân bón kém khả quan về lợi nhuận. Thống kê của SSI Research cho thấy giá urê đã tạo đáy vào tháng 6, dao động 9.000-10.000 đồng một kg và tiếp tục đi ngang trong tháng 7. Đạm Hà Bắc cho biết giá bán bình quân sản phẩm urê của doanh nghiệp này trong quý III đã giảm 36% so với cùng kỳ 2022.
DGC ghi nhận tình trạng sụt giá do thị trường đi xuống ở trong nước và thế giới. Điều này khiến doanh thu các loại hóa chất chính giảm gần 40%, phân bón các loại giảm 14%. Tương tự, theo Đạm Cà Mau, sản lượng tiêu thụ tăng lên nhưng giá bán phân bón giảm mạnh làm doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo thống kê hồi tháng 9 của Cục Bảo vệ thực vật, giá phân urê khoảng 9.900-11.200 đồng một kg. Con số này giảm 32-45% so với cùng kỳ năm trước, nếu so với mức kỷ lục thiết lập hồi 4/2022, mức giá này thấp hơn 50-60%. Giá DAP, kali và các loại phân bón khác cũng thấp hơn so với cách đây một năm.
Tuy nhiên, giá phân bón đang có chuyển biến tích cực sau lệnh dừng xuất khẩu urê của Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 9, giá urê tăng trên 10% chỉ sau một tháng và tăng 24-30% so với hồi tháng 7. Các loại phân khác cũng tăng thêm 300-800 đồng một kg. Ngoài ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá các mặt hàng này còn được hỗ trợ bởi vụ Đông Xuân đang bắt đầu sớm cùng dự báo diện tích lúa và một số loại nông sản tăng lên, đẩy nhu cầu sử dụng phân bón và giá bán lên cao.
Dự báo giá phân bón sẽ đi lên từ quý cuối năm, các công ty chứng khoán lần lượt nêu quan điểm tích cực về lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ sớm được cải thiện. Nhưng theo các chuyên gia, giá phân bón sẽ khó tăng "phi mã" khi nguồn cung trong nước và trên thế giới không quá căng thẳng.
Tất Đạt